Chìa khóa hội nhập và Những hiệp định tự do thế hệ mới của Việt Nam

Thương mại tự do - Chìa khóa để hội nhập quốc tế

Với vị thế một nước nhỏ tại một khu vực kinh tế mới nổi là Đông Nam Á, cùng nền kinh tế còn non trẻ do mới chỉ có hơn 30 năm phát triển trong hòa bình, Việt Nam bắt buộc phải mở rộng nền kinh tế của mình, tăng cường giao thương với thể giới mới có thể mang lại những giá trị thặng dư và bền vững cho nền kinh tế và những sản phẩm dịch vụ của nước nhà. Dưới đây là một số ảnh hưởng của việc có một nền thương mại tự do mở cửa:

Sự phát triển nhanh chóng của quốc gia

Nhiều quốc gia đã trải qua sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc nhờ tự do thương mại như Nhật Bản, Singapore đã thành công trong việc thu hút vốn từ các nhà đầu tư quốc tế và cung cấp việc làm được trả lương tương đối cao cho người lao động địa phương bằng cách tập trung vào xuất khẩu và các nguồn tài nguyên mà họ có lợi thế so sánh mạnh.

Giá thành toàn cầu giảm

Thương mại tự do thúc đẩy môi trường nơi các quốc gia cạnh tranh để cung cấp tài nguyên của họ với chi phí phải chăng nhất. Vì thế, các nhà sản xuất có thể cung cấp hàng hóa thành phẩm với giá thấp hơn, giúp cho người tiêu dùng có nhiều sức mua hơn.

Kinh doanh thua lỗ và thất nghiệp

Mặt khác, khi một quốc gia mở cửa biên giới cho thương mại tự do, thất nghiệp tại địa phương có thể xảy ra nếu các ngành công nghiệp trong nước không thể cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Các doanh nghiệp quy mô lớn có thể chuyển đến các quốc gia có tiêu chuẩn lao động và môi trường lỏng lẻo hơn, dẫn đến tình trạng sử dụng lao động trẻ em hoặc gây ô nhiễm môi trường.

Tăng sự phụ thuộc vào thị trường toàn cầu

Thương mại tự do cũng có thể làm tăng sự phụ thuộc của quốc gia vào thị trường bên ngoài. Ví dụ, một quốc gia sản xuất một số mặt hàng trong nước có thể đạt được lợi ích chiến lược mặc dù giá của chúng thấp hơn trên thị trường toàn cầu. Quốc gia có thể phải bắt đầu lại các ngành công nghiệp này từ đầu trong trường hợp xảy ra chiến tranh hoặc thiên tai khác.

Thật vậy, việc nào cũng có hai mặt. Ví dụ như việc có một nền thương mại mở cửa, tuy hàng hóa dịch vụ sẽ tới được những thị trường mới, nhưng đổi lại sẽ có một số tác động cạnh tranh mới cho mặt hàng “Made in Vietnam” do làn sóng thâm nhập thị trường của các sản phẩm do các nước trong các Hiệp định thương mại tự do sản xuất và cung cấp.

 

Các hiệp định thương mại tự do hiện tại của Việt Nam

Hiệp định tự do thế hệ mới

Tính đến năm 2022, Việt Nam đã có 15 FTA có hiệu lực gồm: Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA); FTA ASEAN - Trung Quốc (ACFTA); FTA ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP); Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA); FTA ASEAN - Ấn Độ (AIFTA); FTA ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA); FTA Việt Nam - Chile (VCFTA); FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA); Hiệp định FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (VN - EAEU FTA); CPTPP; FTA ASEAN và Hồng Kông (Trung Quốc) (AHKFTA), EVFTA; FTA Việt Nam - Vương Quốc Anh (UKVFTA); FTA ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc... (RCEP) và hiện đang đàm phán 02 FTA5

Thuật ngữ “Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới” được sử dụng để chỉ các FTA với những cam kết sâu rộng và toàn diện, bao hàm những cam kết về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ như các “FTA truyền thống”; mức độ cam kết sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0%, có thể có lộ trình); có cơ chế thực thi chặt chẽ và hơn thế, nó bao hàm cả những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như: Lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư…

Việt Nam hiện nay đã tham gia một số FTA thế hệ mới, trong đó nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) - EVFTA, cụ thể:

Hiệp định CPTPP

Các nước cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 65-95% số dòng thuế và xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế quan trong vòng 5-10 năm.

Trong CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ số dòng thuế ở mức cao, theo đó: 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Hiệp định EVFTA

Các nội dung chính của Hiệp định, bao gồm: Thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại; các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững; các vấn đề pháp lý, hợp tác và xây dựng năng lực.

Trong EVFTA, Việt Nam và EU cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99% số dòng thuế trong khoảng thời gian 7 năm đối với EU và 10 năm đối với Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, sau 3 năm là 58,7% số dòng thuế, sau 5 năm là 79,6% số dòng thuế, sau 7 năm là 91,8% số dòng thuế và sau 10 năm là 98,3% số dòng thuế.

Đối với thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế xuất khẩu hàng hóa sang EU với lộ trình lên đến 15 năm.

Cơ hội

Việc ký kết các FTA có thể thúc đẩy đáng kể nền kinh tế Việt Nam cũng như thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhưng nó cũng làm tăng sự cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với các cơ hội giao dịch, Việt Nam có thể đối mặt với nhiều vấn đề như thất nghiệp và khó đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu về hàng hóa và dịch vụ.

Để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, cộng đồng doanh nghiệp và địa phương cần nắm bắt các cam kết của Việt Nam và các đối tác để thực hiện đúng, có hành động kịp thời, nâng cao năng lực cạnh tranh cho mình và cho cả nền kinh tế.

Để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cũng cần xem xét và từng bước khắc phục sự chênh lệch giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước trong việc tận dụng các FTA, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cạnh tranh vĩ mô, bảo đảm công khai, minh bạch, môi trường chính sách ổn định, môi trường kinh doanh thông thoáng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là phát triển xuất khẩu. Song, cùng với việc nhận được những lợi ích rõ rệt từ việc thu hút FDI như thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tạo thêm việc làm và nâng cao trình độ cho người lao động, giúp ích cho các ngành, lĩnh vực.

Thách thức

Tuy hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức khác nếu muốn có được thị phần tại thị trường quốc tế, bao gồm các hàng rào phi thuế quan như hàng rào kỹ thuật (TBT), các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, tự vệ… Đặc biệt, các thị trường trong khối FTA thế hệ mới của Việt Nam như Canada, Mexico và các nước EU… đều là các thị trường khó tính, có đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng và có truyền thống sử dụng các biện pháp phi thuế quan và phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường trong nước. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời trang bị kiến thức liên quan. Ngoài ra, do hệ thống tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm thuộc ngành hàng công nghiệp vật liệu của Việt Nam còn chưa hoàn thiện nên chất lượng sản phẩm của Việt Nam còn chưa cao, chưa đồng bộ với chất lượng toàn cầu, do đó sản phẩm của Việt Nam chưa thể có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường nước ngoài.

Những kết quả cụ thể

Canada

Với hơn 40 triệu dân và tiềm năng trở thành một siêu cường ở cực Bắc, Canada là một trong những thị trường tiềm năng nhất trong tương lai của Việt Nam

Theo báo cáo về cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch nhập khẩu của 10 quốc gia đối tác trong CPTPP là gần 2.500 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện Việt Nam mới xuất khẩu sang các nước này khoảng 42 tỷ USD, chiếm khoảng 1,7% tổng giá trị. Trong đó, Nhật Bản là thị trường lớn nhất, tiếp đến là Canada... Nhưng, Canada sẽ là thị trường cực kỳ tiềm năng với doanh nghiệp Việt do các mặt hàng có nhu cầu nhập khẩu cao của mước này cũng là những mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi vào thực thi từ đầu năm 2019 đã tạo cơ hội cho một số ngành hàng của Việt Nam tăng tốc xuất khẩu sang Canada.

Trong 80 thị trường xuất khẩu chủ yếu, Canada là thị trường mà Việt Nam xuất khẩu, xuất siêu lớn, với dự báo xuất khẩu cả năm 2022 đạt trên 7 tỷ USD, xuất siêu 6 tỷ USD.

Xuất khẩu sang Canada có nhiều mặt hàng. Trong 26 mặt hàng chủ yếu, có 10 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, với xuất khẩu lớn nhất là hàng dệt may; điện thoại và linh kiện; giày dép; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị; thủy sản; phương tiện vận tải. Trong 26 mặt hàng chủ yếu này, có 19 mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 5 mặt hàng có mức tăng lớn (trên 100 triệu USD). Đó là thủy sản; dệt may; giày dép; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện.

Xuất khẩu liên tục tăng qua các năm. Ngay cả khi đại dịch Covid-19 xảy ra vào năm 2020, bùng phát vào năm 2021, thì xuất khẩu sang Canada 8 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước vẫn tăng 32,5%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng chung (18,2%). Mức tăng đạt 1.108 triệu USD, chiếm trên 2,8% tổng mức tăng của cả nước.

Liên minh Châu Âu

Với 27 quốc gia với dân số gần 500 triệu người, Liên Minh Châu Âu là một thị trường trọng điểm trong thời gian tới của Việt Nam

Trong giai đoạn từ tháng 8/2020 đến hết tháng 7/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường các nước EU đạt 83,4 tỷ USD, tăng trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn 24% kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019.

Có thể khẳng định Hiệp định EVFTA đã tạo ra cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Mặc dù 02 năm qua dịch Covid19 bùng phát khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhưng chính cam kết của Hiệp định EVFTA đã góp phần bù đắp sự suy giảm và đẩy nhanh phục hồi kinh tế, nhất là xuất khẩu.

Từ góc độ của từng doanh nghiệp, thông tin từ kết quả khảo sát về EVFTA được Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, tỷ lệ các doanh nghiệp Việt Nam từng được hưởng lợi từ EVFTA là rất khả quan, với gần 41% doanh nghiệp cho biết, đã từng được hưởng ít nhất một lợi ích nào đó từ EVFTA. Trong đó, lợi ích phổ biến nhất là từ các ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất nhập khẩu và hiệu ứng tích cực trong gia tăng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận.

"EVFTA cũng là hiệp định thương mại tự do có số lượng doanh nghiệp biết đến nhiều nhất đến thời điểm này với khoảng 94% doanh nghiệp từng nghe nói hoặc biết ở các mức độ khác nhau về EVFTA. Đồng thời, đây cũng là FTA có tỷ lệ doanh nghiệp biết rõ nhiều nhất. Cứ 10 doanh nghiệp thì có tới 3 doanh nghiệp biết rõ về EVFTA và 1 doanh nghiệp biết rất rõ về các cam kết của EVFTA có liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình", Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc VCCI), bà Nguyễn Thị Thu Trang,  khẳng định.

 Nguồn: Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Tạp chí Tài chính, Tạp chí Ngân Hàng, Báo Đầu tư, Thương hiệu và Công luận, Báo Nhân Dân.

Bình luận

Tin tức liên quan

Gọi trực tiếp
Chat Facebook
Chat trên Zalo