Trung Quốc đang phải hứng chịu trận lũ lụt khủng khiếp nhất trong 140 năm. Châu Âu trải qua một mùa hè nóng chưa từng thấy. UAE, Nga và Ấn Độ vừa cấm xuất khẩu gạo do thiếu hụt nguồn cung trong nước. Biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng và nông nghiệp là một trong những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp. Việt Nam coi đây là thách thức và là một cơ hội to lớn. Cơ giới hóa nông nghiệp sẽ gia tăng chất và lượng của nông sản Việt, đưa Việt Nam thành một thương hiệu cường quốc nông nghiệp trên thế giới.
Hình ảnh một cánh đồng lúa tại Việt Nam
Nông nghiệp là lĩnh vực chiếm 14% GDP Việt Nam, chiếm gần 40% lực lượng lao động. Nông nghiệp đã phát triển vượt bậc, đã trở thành trụ đỡ của nền kinh tế. Những kết quả đạt được là rất đáng tự hào. Nhưng thách thức là làm sao để nâng cao hiệu quả, nâng cao hiệu năng, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Xét ở góc độ này, dư địa cho nông nghiệp phát triển đột phá trong giai đoạn tới là rất lớn.
Nói không quá, nông nghiệp sẽ là yếu tố then chốt để kinh tế Việt Nam phát triển đột phá một cách bền vững. Mục tiêu của chúng ta nói ngắn gọn là làm sao người nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất. Hiện đại hóa nhằm phát triển nông nghiệp chính là một trong những chìa khoá để thực hiện thành công mục tiêu này.
Mặc dù vậy, nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa đạt được đến tầm vóc xứng đáng. Là một đất nước có địa hình đa dạng, lại có nguồn cung nước và đất đai phì nhiêu, Việt Nam đã từ lâu nổi tiếng là một đất nước có nhiều thức nông sản ngon, bổ, rẻ. Thực tế cho thấy, trong rất nhiều hiệp định thương mại tự do của Việt Nam ký kết với các khối kinh tế trên thế giới, nông sản luôn là một sản phẩm xếp hàng đầu danh sách.
Hiện đại hóa ngành nông nghiệp được coi là một giải pháp thiết thực, có khả năng tối ưu hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên như nước và ánh sáng, sức lao động, vv. Không những có khả năng gia tăng năng suất, việc hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp cũng giúp chất lượng nông sản gia tăng do áp dụng công nghệ hiện đại sẽ giúp cải thiện quy trình sản xuất, hạn chế lỗi và tăng độ tinh của sản phẩm, điều mà các nước phát triển như Israel hay Nhật Bản đã làm rất tốt.
Sàn thương mại điện tử Kim Hưng giúp nông dân quảng bá được các thực phẩm sạch, nguồn gốc hữu cơ đến tay người tiêu dùng
Chuyển đổi số là một thuật ngữ được nhắc tới trong nhiều ngành nghề trong khoảng thời gian trong và sau dịch, trong đó có ngành nông nghiệp. Năm 2023 đã chứng kiến nhiều sự thành công của việc áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp như Tiktok Shop, Shopee, Các sàn TMĐT nông sản như KHIM Food, vv. Nhờ những nền tảng số này, người nông dân đã có thể trực tiếp phục vụ thị trường tiêu dùng mà không phải qua một đơn vị trung gian và người tiêu dùng cũng có thể trải nghiệm được những thức quà nông sản đặc biệt của từng địa phương.
Mặc dù vậy, việc áp dụng CNTT vào để quản lý và vận hành các nông trại vẫn còn chưa được phổ biến do tính chất quy mô nhỏ lẻ của nông nghiệp Việt Nam. Tuy hay được nói là nền kinh tế lúa nước nhưng diện tích quy mô trang trại của hộ gia đình nông nghiệp Việt Nam vào loại nhỏ nhất ở Đông Nam Á và trên thế giới, khó có thể cơ giới hóa, hiện đại hóa và tiến hành thực hiện nền sản xuất lớn.
Cũng vì lý do trên, việc hiện đại hóa nông nghiệp bằng cách cơ giới hóa phương tiện sản xuất cũng đang gặp khó khăn. Hiện tại, do quy mô ruộng đất không đủ lớn, việc đầu tư vào các phương tiện sản xuất là không khả thi. Kể cả có tiền đầu tư, diện tích quá nhỏ cũng khiến việc sử dụng phương tiện cơ giới vào sản xuất là khó thực hiện. Các đất nước phát triển thường có những nông trại rộng vài chục, vài trăm ha và sử dụng máy bay hay xe cơ giới cỡ lớn để xử lý công việc.
Từ những thực trạng này sinh ra hệ quả đất nông nghiệp không được phát huy đúng tiềm năng, nông dân bỏ ruộng, người dân đầu cơ tích trữ đất nông nghiệp để đợi dự án hay tệ hơn nữa, một số bộ phận người nông dân lựa chọn những giải pháp ngắn hạn, gây nguy hiểm tới sức khỏe người tiêu dùng như sử dụng thuốc trừ sâu, chất hóa học, phân bón với hàm lượng chất nguy hại quá mức cho phép.
Thực tế cho thấy, Việt Nam cũng là một đất nước chịu tác động mạnh của biến đối khí hậu. Nếu tình trạng phát triển nông nghiệp lạc hậu như trên tiếp tục xảy ra, không những nông nghiệp xuất khẩu và giá trị thương hiệu nông sản của Việt Nam bị tụt hậu, mà ngay cả an ninh lương thực trong nước cũng khó có thể đảm bảo.
Thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là việc làm quan trọng
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp thật sự trở thành xu hướng và đem lại hiệu quả. Khi tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, theo mô hình doanh nghiệp (DN) là hạt nhân liên kết, tổ chức sản xuất với hộ nông dân, trang trại, HTX để ứng dụng CNC, công nghệ sinh học, công nghệ số, máy móc hiện đại trong sản xuất và quản trị quá trình sản xuất quy mô hàng hóa, có truy xuất nguồn gốc, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm… sẽ thấy rõ vai trò, giá trị từ công nghệ hiện đại.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2011-2021, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần, máy bơm nước tăng 60%, máy gặt đập liên hợp tăng 80%, máy sấy nông sản tăng 30%, máy chế biến thức ăn gia súc tăng 91%, máy chế biến thức ăn thủy sản tăng 2,2 lần và máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 3,5 lần.
Mức độ cơ giới hóa tại một số khâu, trong một số lĩnh vực ngành nông nghiệp có tỷ lệ khá cao như: Trồng trọt đạt từ 70% đến 100% (làm đất, tưới, bảo vệ thực vật), chăn nuôi đạt từ 55% đến 90%... Đối với sản xuất lúa, giai đoạn từ năm 2008 đến 2021, khâu làm đất tăng từ 75% lên 97%, khâu gieo sạ, cấy từ 5% lên 65%, khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật từ 55% lên 80%, khâu thu hoạch từ 15% lên 78%; khâu thu gom rơm, rạ đạt 90%.
Mặc dù những cánh đồng “không dấu chân” đã trở nên phổ biến tại các tỉnh của vùng Đồng vằng Sông Hồng như Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình và Nam Định, chúng ta phải thừa nhận rằng mức độ hiện đại hóa trong nông nghiệp còn diễn ra chưa đồng bộ, khi máy móc và công nghệ hiện đại chưa được áp dụng hoàn toàn vào chuỗi cung ứng sản xuất.
Sau đây, hãy cùng điểm qua những thiếu sót đang hiện diện với chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp tại các vựa lúa của Việt Nam: máy móc, thiết bị hạ tầng chưa đáp ứng được về chủng loại, số lượng cho nhu cầu trong nước, công nghiệp hỗ trợ cho các loại máy nông nghiệp chưa được phát triển dẫn tới giá thành máy móc cao khi phải nhập khẩu do không làm chủ được chuỗi cung ứng, các dây chuyền và sản xuất giai đoạn chế biến sau thu hoạch lạc hậu, xuống cấp, ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản, hệ thống và công nghệ kho vận còn chưa hiện đại, gây ra tổn thất và ô nhiễm môi trường.
Áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp
Như chúng ta đã thấy trong những phần trên của bài viết, Việt Nam có các yếu tố thuận lợi để làm cơ sở cho phát triển nông nghiệp bền vững như ít thiên tai, khí hậu phù hợp, thổ nhưỡng tốt, người dân có kinh nghiệm, sản phẩm nông sản đa dạng. Mặc dù vậy, việc không áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sẽ khiến Việt Nam lỡ đi những cơ hội quý giá để bứt phá trên thị trường nông sản quốc tế.
Vì vậy, việc hiện đại hóa chuỗi cung ứng nông nghiệp trong thời gian tới là vô cùng cần thiết. Việt Nam nên tận dụng ngành công nghiệp phát triển sẵn có đề nghiên cứu đầu tư vào những chuỗi cung ứng sản xuất các thiết bị, máy móc và công nghiệp phụ trợ, lắp ráp phục vụ cho ngành nông nghiệp.
Các sản phẩm công nghiệp có thể nghiên cứu, phát triển phục vụ cho nông nghiệp ví dụ như là các thiết bị hạ tầng (đường ống nước, van tưới nước, hệ thống tưới tiêu thông minh, pin mặt trời, vv), máy móc cơ giới (máy cấy lúa, máy tuốt lúa, máy xới đất, máy thu hoạch, máy nghiền, vv), dây chuyền chế biến (các công nghệ xử lý như vi sinh hay nano, dây chuyền tự động, robot nông nghiệp), công nghệ hóa học (chất dinh dưỡng dạng lỏng, nuôi trồng theo chiều dọc), công nghệ sinh học (sản xuất vắc-xin, thực phẩm chức năng, vv), thiết bị điện tử (máy tính bảng quản lý, drone nông nghiệp, máy đo lường, smart farm).
Hiện tại, các ngành sản xuất công nghiệp trên cũng đang được ưu ái khi có nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp hấp dẫn, dành riêng cho các doanh nghiệp khi kinh doanh sản xuất những mặt hàng trên.
Nếu Việt Nam phát triển và sản xuất, làm chủ được những công nghệ này, không những có thể đưa nông nghiệp nước nhà lên một tầm cao mới mà còn có thể biến những mặt hàng này trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực khi nhu cầu phát triển nông nghiệp ngày càng trở nên quan trọng trên toàn cầu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Nguồn: Báo Nhân Dân, Báo UBND tỉnh Ninh Bình và Hải Dương, Bộ Tài Chính, Bộ Nông nghiệp và PT Nông Thôn, Kinh tế TƯ
Bình luận
Tin mới
Xem thêmNhiều người đọc
Xem thêmTin tức liên quan