Nhộn nhịp đơn hàng xuất khẩu đầu năm

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, kim ngạchxuất khẩu hàng hóa tháng 1-2024 ước đạt 33,57 tỉ USD, tăng 6,7% so với tháng 12/2023. So với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 tăng 42%; trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 62,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 35,6%. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 9/2022.

Nhiều đơn hàng mới

Theo thống kê của Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), trong sáng ngày 18-2 đã có 95 phương tiện xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua cầu phao Km3+4 Hải Yên (phường Hải Yên, TP Móng Cái). Theo đó, hơn 900 tấn nông sản đã xuất khẩu sang Trung Quốc, giá trị ước đạt 3,7 triệu USD.

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn), cho biết việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn trở lại bình thường sau dịp nghỉ Tết Giáp Thìn. Trước đó, từ ngày 14 đến 17-2, đã có các xe hàng xuất nhập khẩu qua khu vực các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh nếu đăng ký trước.

Theo thống kê của Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, tại các cửa khẩu có khoảng 800 xe nhập khẩu/ngày và khoảng 400 - 500 xe xuất khẩu/ngày. Số xe tồn nằm tại các bãi chỉ khoảng 200 xe. Không xuất hiện tình trạng ùn ứ hàng hóa do các ngành chức năng như biên phòng, hải quan, thuế… đã có phương án điều tiết, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khai báo trực tuyến qua phần mềm cửa khẩu số. Hạ tầng các bãi xe cũng được nâng cấp, đầu tư, bảo đảm khoảng 1.000 xe/bãi xe xuất nhập khẩu.

 

Nhộn nhịp đơn hàng xuất khẩu đầu năm

Lô xoài cát hạt lép đầu tiên xuất khẩu sang Hàn Quốc ngày 19-2. Ảnh: VĨNH KỲ

 

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, thông báo tin vui là từ trước Tết Nguyên đán, các DN ngành lương thực - thực phẩm liên tiếp nhận được những đơn hàng xuất khẩu mới. Có DN đã nhận đơn hàng đủ để sản xuất đến tháng 3 và 4, có DN ổn định được đến tháng 6-2024.

"Lạm phát toàn cầu đang giảm, tồn kho nhóm hàng này trên thế giới cũng giảm nên các đối tác quay lại đặt hàng. Nhiều DN đã tuyển thêm lao động để kịp thời đáp ứng đơn hàng xuất khẩu" - bà Chi nói.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, cho biết DN đang tổ chức sản xuất trả các đơn hàng đã ký từ trước Tết Nguyên đán. Đặc biệt, phải kể đến việc nhập lúa về để trả đơn hàng gạo của cơ quan hậu cần của Chính phủ Indonesia (Bulog) là 65.000 tấn mà Lộc Trời đã thắng thầu và được Bulog công bố vào đầu tháng 2.

"Tính chung, các DN gạo Việt Nam đã trúng gói thầu hơn 400.000 tấn gạo trắng 5% tấm trên tổng số 500.000 tấn mở thầu cho Bulog, cơ quan hậu cần của Indonesia. Đối với thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines (chiếm khoảng 40% thị phần), mới đây vừa có biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Philippines về hợp tác thương mại gạo được ký kết. Những thông tin này cho thấy sự tiến triển tích cực của lúa gạo Việt Nam xuất khẩu trong năm 2024" - ông Thuận nhận định.

Dù vậy, theo ông Thuận, trong năm 2024, do không biết trước các động thái của Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - đối với việc có tiếp tục thực hiện lệnh cấm xuất khẩu hay không nên các DN vẫn trong trạng thái không dám giữ lượng tồn kho lớn, thay vào đó, duy trì hình thức mua nhanh, bán nhanh.

Ông Nguyễn Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thông tin xuất khẩu rau quả ngay từ đầu năm đã có nhiều chuyển biến tích cực từ các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu… nên ngành rau quả đặt mục tiêu năm 2024 sẽ xuất khẩu được khoảng 6,5 tỉ USD.

Cơ sở để ngành rau quả đưa ra mục tiêu này là bởi nhu cầu của thị trường Trung Quốc vẫn còn lớn và Việt Nam dự kiến mở cửa thêm 2 mặt hàng mới là dừa tươi và sầu riêng đông lạnh. Trung Quốc là thị trường số 1 của rau quả Việt Nam, việc vận chuyển chủ yếu bằng đường bộ nên không bị ảnh hưởng tiêu cực từ đợt tăng cước tàu tuyến châu Âu, Mỹ gần đây như một số mặt hàng khác.

Dù vậy, năm 2024, ngành rau quả vẫn gặp các thách thức như tiếp tục chịu sự ảnh hưởng chung của xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas khiến kinh tế thế giới bất ổn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Hiện nay, nhiều đối tác nhập khẩu muốn ký hợp đồng dài hạn với rau quả Việt Nam nhưng DN xuất khẩu không dám ký vì biến động giá cả trong nước rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

 

Điểm sáng nông - thủy sản

Đối với ngành hạt điều, ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Điều Bình Phước - dự báo năm 2024 xuất khẩu hạt điều có khả năng giảm về giá trị dù sản lượng xuất khẩu vẫn tăng do giá bán giảm. Nguyên nhân là do sản lượng điều thô nhập về Việt Nam tăng.

Về thị trường, nhu cầu từ Mỹ và Trung Quốc vẫn ở mức cao, nhất là khi mặt bằng giá thấp. "Để đạt được hiệu quả trong sản xuất, các DN không nên tranh mua nguyên liệu, đẩy giá nguyên liệu lên cao trong khi không thể tăng giá bán thành phẩm. Hạt điều nguyên liệu rất nhiều, năm sau cao hơn năm trước nên các DN cần tỉnh táo, tránh mua giá cao" - ông Sơn khuyến cáo.

Theo bà Lý Kim Chi, định hướng của Chính phủ hiện nay vẫn lấy trụ đỡ là kinh tế nông nghiệp trong phát triển bền vững. Vì vậy, các DN sẽ rất thuận lợi trong việc xuất khẩu gạo, rau củ quả và một số sản phẩm chế biến sâu. Điểm sáng của xuất khẩu nông sản hiện nay là Việt Nam không còn xuất khẩu gạo đại trà như trước đây mà tăng cường các loại gạo chất lượng cao.

"Bên cạnh các chủ trương của nhà nước, TP HCM đang vận dụng Nghị quyết 98 để đưa vào sản xuất, tạo cơ sở cho DN chính thức hóa một số hoạt động. Ngay trong ngày 19-2, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước đã ký kết với Hiệp hội DN TP HCM để hỗ trợ DN các ngành công nghiệp trọng yếu cùng một số ngành khác được tiếp cận nguồn vốn trong chương trình kích cầu đầu tư của TP HCM, giúp DN huy động nguồn vốn với lãi suất ưu đãi hoặc bù lãi suất (lãi suất 0%) vào sản xuất, từ đó DN yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất" - bà Chi nói thêm.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 1-2024, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 65,7% tổng kim ngạch xuất khẩu gồm: gỗ và sản phẩm gỗ; hàng dệt và may mặc; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện... Nhóm hàng nông - thủy sản vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của cả nước với kim ngạch ước đạt 3,33 tỉ USD, tăng 9,1% so với tháng 12-2023 và chiếm 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong đó, sắn và sản phẩm sắn tăng tới 93,4%, ước đạt 274 triệu USD; tiếp đến là rau quả tăng 24,9%, ước đạt 510 triệu USD; hạt điều và chè tăng trên 10%.

Nguyên nhân chủ yếu là do lợi thế về giá các mặt hàng nông sản trong tháng 1-2024 tiếp tục tăng, trong khi giá của các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến vẫn trong xu hướng giảm (giá cà phê tăng 35,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt bình quân 2.955 USD/tấn; giá gạo tăng 33,5%, đạt bình quân 693 USD/tấn; giá hạt tiêu tăng 14,8%, đạt 3.953 USD/tấn; giá cao su tăng 3,7%...).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho hay trong tháng 1-2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản tăng cao. Về thị trường, giá trị xuất khẩu nông - lâm - thủy sản tới các thị trường đều tăng. Trong đó, xuất khẩu sang khu vực châu Á đạt 2,52 tỉ USD, tăng 86,3%; châu Mỹ 1,18 tỉ USD, tăng 93,6%; châu Âu 532 triệu USD, tăng 38,2%; châu Phi 104 triệu USD, tăng 185,4%… Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỉ trọng 23%, tăng 106,9%; Mỹ chiếm 20,8%, tăng 95,9% và Nhật Bản chiếm 7,4%, tăng 47,5%.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định thị trường đang phục hồi tốt. "Mặt hàng nào xuất khẩu cũng tăng đột biến. Xuất khẩu gạo, tôm, cá tra, cao su đều tăng trưởng 52,6% - 81% tùy mặt hàng; xuất khẩu hạt điều tăng tới 129%, rau quả tăng 112%, cà phê tăng 103%…" - ông Tiến dẫn chứng.

Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, giai đoạn 2021 - 2023, ngành nông nghiệp cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, sang 2024 là năm tăng tốc và kết quả xuất khẩu tháng đầu năm báo hiệu một năm nhiều thuận lợi.

Theo Báo Người lao động

Bình luận

Tin tức liên quan

Gọi trực tiếp
Chat Facebook
Chat trên Zalo