Trong bối cảnh căng thẳng giữa hai siêu cường kinh tế là Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày một tăng cao, khối các nước phương Tây đang dần di chuyển chuỗi cung ứng sản xuất của mình ra khỏi đất nước tỷ dân này để đảm bảo các chuỗi cung ứng của mình có thể đảm bảo không bị đứt gãy trong tình huống căng thẳng leo thang.
Trung Quốc từ lâu đã được mệnh danh là công xưởng toàn cầu vì nhiều yếu tố thuận lợi như hệ thống giao thông vận tải kết nối phát triển, chi phí nhân công thấp và chuỗi cung ứng sản xuất đầy đủ các thành phần. Mặc dù vậy, các khối nước phát triển như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đang dần có xu hướng dịch chuyển ra khỏi đất nước tỷ dân này, với sự khởi đầu từ “phát súng” phát động chiến tranh thương mại Trung Quốc – Hoa Kỳ mà Tổng thống Donald Trump khởi xướng từ năm 2018.
Không những do căng thằng kinh tế, một lý do lớn các chuỗi cung ứng đang dần rời khỏi Trung Quốc do giá nhân công của nước này không ngừng tăng trong những năm qua. Khi so sánh với các nước có nguồn nhân công dồi dào trong khu vực như Ấn Độ, Việt Nam hay In-đô-nê-xia, Trung Quốc đã mất hẳn lợi thế về nhân công rẻ.
So sánh giá thuê nhân công sản xuất của các nước Châu Á – Theo World Finance
Shay Luo, Giám đốc công ty tư vấn Kearney, nói: “Chúng tôi đã thấy rất nhiều nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc đang tích cực tìm cách thiết lập cơ sở sản xuất ở nước ngoài do dự đoán về những thách thức chuỗi cung ứng và rủi ro chính trị”.
Theo khảo sát của UBS đối với hơn 1.600 giám đốc điều hành, nhiều nhà quản lý cấp cao trong các lĩnh vực khác nhau có ý định chuyển các bộ phận trong chuỗi cung ứng về gần quê hương hơn. Khoảng 78% lãnh đạo doanh nghiệp tại châu Âu, 70% lãnh đạo doanh nghiệp tại Mỹ và 54% lãnh đạo doanh nghiệp tại Trung Quốc có kế hoạch tương tự.
Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng thời kỳ hậu COVID-19 và quan hệ toàn cầu mới đã đem đến cho Việt Nam và các doanh nghiệp cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu chưa bao giờ lớn như hiện nay. Như Việt Nam, các quốc gia Nam Á như Ấn Độ và Bangladesh cũng là những ứng cử viên hàng đầu cho các nhà sản xuất Trung Quốc chuyển đến nhờ những vùng đất rộng lớn và dân số trẻ, chi phí nhân công thấp.
Việt Nam đã chứng kiến làn sóng đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế. Theo hãng tin Reuters, sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau 3 năm áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt do đại dịch COVID-19, đã có rất nhiều công ty từTrung Quốc thành lập cơ sở tại Việt Nam. Michael Chan, Giám đốc cấp cao về cho thuê của công ty bất động sản công nghiệp BW Industrial Development, cho biết dòng chảy đầu tư ồ ạt chủ yếu phục vụ cho các công ty lớn hơn đã có mặt ở Việt Nam.
Đặc biệt, trong bối cảnh dòng vốn dịch chuyển và hàng loạt tập đoàn đa quốc gia đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam và di chuyển chuỗi cung ứng của mình khỏi Trung Quốc. Cụ thể, Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan thuộc chuỗi cung ứng sang Việt Nam, hay Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) vừa xây dựng nhà máy mới tại Bình Dương, với dự án quy mô đầu tư hơn 1 tỉ USD.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp FDI khác như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron cũng mở rộng quy mô sẵn có tại Việt Nam. Hay các doanh nghiệp Nhật cũng mong muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam ngay cả trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Dữ liệu từ TDS cho thấy các công ty Mỹ và châu Âu đang tăng cường hợp tác thương mại với Việt Nam trong những năm gần đây. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng từ 10% lên 16% trong giai đoạn 2018 - 2021.
Theo các chuyên gia, mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nền kinh tế đang nổi khác trong việc thu hút dòng vốn đầu tư do xu hướng dịch chuyển của chuỗi cung ứng mới.
Các chuyên gia cho rằng, rất khó để dịch chuyển chuỗi cung ứng hoàn toàn ra khỏi Trung Quốc. Quốc gia này vẫn giữ được các thế mạnh và lợi thế kinh tế đã phát triển trong nhiều thập kỷ. Đồng thời, Bắc Kinh cũng sở hữu dịch vụ hậu cần, nguồn nhân lực, chuyên môn hóa và bảo vệ tài sản trí tuệ tốt hơn nhiều đối thủ – bao gồm các nước Đông Nam Á, Ấn Độ và Mexico.
Theo JETRO, Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam đang leo lên trong chuỗi giá trị, với tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao đạt 42% vào năm 2020, tăng từ mức 13% vào năm 2010. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa nguồn cung chỉ đạt 37.3%, thấp hơn Indonesia hay Thái Lan. Hơn nữa, 72.6% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ cần đào tạo nhân viên, cao hơn mức trung bình 66% ở Đông Nam Á, JETRO cho biết. Điều này là lực cản cho các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài vì việc chuỗi cung ứng không đảm bảo sẽ gây ra các rủi ro lâu dài về chi phí và chất lượng sản phẩm.
Thêm vào đó, lực lượng lao động ở Việt Nam không thể dồi dào sơ với lực lượng lao động tại Trung Quốc, tức là 100 triệu dân của Việt Nam vẫn thấp hơn so với 1,5 tỉ dân Trung Quốc, Ấn Độ, và 280 triệu dân ở Indonesia. Không những vậy về chất lượng lao động, Việt Nam cũng chưa thể so sánh với Trung Quốc.
Năng suất lao động của Việt Nam thuộc dạng thấp trong khu vực – Theo Ngân hàng Thế Giới
Làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc của các công ty sản xuất, chuỗi cung ứng công nghiệp là rất mạnh mẽ trong những năm sau COVID. Tuy Việt Nam là một lựa chọn hàng đầu do vị trí tiếp giáp với nước này, nhưng không thể phủ nhận Việt Nam còn tồn tại nhiều yếu kém, là rào cản khi các nhà đầu tư cân nhắc phương án dịch chuyển. Các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như In-đô-nê-xia hay Phi-líp-pin, khu vực Nam Á như Ấn Độ và Băng-la-desh là các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam về thu hút vốn FDI vì những nước này có dân số đông hơn Việt Nam, chi phí lao động cạnh tranh hơn và năng suất lao động của công nhân cũng cao hơn. Do đó, Việt Nam cần phải xác định rõ đâu là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của mình và đưa điều đó trở thành một đặc điểm của chúng ta mà các nước khác không thể có được.
Nguồn: World Finance, VnExpress, Tuổi Trẻ, VCCI, Bộ Tài Chính
Bình luận
Tin mới
Xem thêmNhiều người đọc
Xem thêmTin tức liên quan