Tình hình kinh tế Thế giới đầu năm 2023: Trên đà phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn

Tình hình kinh tế Thế giới đầu năm 2023: Trên đà phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn

Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên hợp quốc (UNDESA) đưa ra dự báo bi quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 trong các báo cáo đầu năm 2023. Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 01/2023, WB nhận định tăng trưởng toàn cầu chỉ đạt 1,7% năm 2023, thấp hơn 1,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022.

Trong báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới tháng 02/2023, UNDESA nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 chỉ đạt 1,9%, giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022. Tại khu vực Đông Nam Á, WB nhận định phục hồi kinh tế của các quốc gia sau suy thoái do đại dịch khá khác nhau.

Tăng trưởng GDP của In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Thái Lan dự báo đạt 4,8%, 4,0% và 3,6% năm 2023, lần lượt giảm 0,5, 0,5 và 0,7 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022. WB điều chỉnh giảm nhẹ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Phi-li-pin và Việt Nam ở mức 5,4% và 6,3%, đều giảm 0,2 điểm phần trăm, do được hưởng lợi từ tăng tiêu dùng cá nhân và tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa.

Dự báo kinh tế thế giới 2022-2023 của các tổ chức kinh tế lớn thế giới

Nền kinh tế Mỹ đang có những dấu hiệu suy yếu nhưng lạm phát chưa giảm rõ rệt sau 9 lần nâng lãi suất liên tiếp. Dù vậy, kinh tế Trung Quốc phục hồi tốt và nền kinh tế châu Âu tránh được suy thoái được xem là hai điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu quý 1 vừa qua.

Mỹ:

Lạm phát còn cao hơn nhiều so với mục tiêu - chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của Mỹ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái và CPI tháng 3 của Mỹ tăng 6,9% (trong khi mục tiêu lạm phát của Fed và ECB đều là 2%), đòi hỏi lãi suất cần tiếp tục tăng lên mức cao hơn. Động thái cắt giảm sản lượng dầu hơn 1 triệu thùng/ngày một cách bất ngờ của liên minh các nước sản xuất dầu lửa OPEC+ mới đây đã khiến giá dầu tăng mạnh, đẩy áp lực lạm phát lên cao hơn.

Cả năm 2022, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,1%, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 5,9% đạt được trong năm 2021. Trong lúc số liệu chưa được công bố, phần lớn các chuyên gia kinh tế tin rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục giảm tốc mạnh trong quý 1 vừa qua. Giới chức Fed vẫn tin tưởng có thể đưa nền kinh tế hạ cánh mềm, tức tăng trưởng chỉ giảm tốc ở mức vừa đủ để kéo lạm phát xuống mà không khiến nền kinh tế suy thoái. Fed dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 0,4% trong năm 2023.

Cuộc khủng hoảng ngân hàng càng khiến nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái lớn hơn bao giờ hết, bởi xảy ra đúng lúc nền kinh tế bắt đầu “ngấm đòn” lãi suất tăng. Sự thận trọng gia tăng trong bối cảnh này sẽ khiến các điều kiện tài chính thắt chặt hơn nữa, dẫn tới các hoạt động kinh tế càng giảm sút. Chưa kể, nguy cơ giá dầu tăng trở lại mốc 100 USD/thùng sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh cắt giảm mạnh sản lượng cũng làm gia tăng gánh nặng đối với kinh tế Mỹ...

Trung Quốc:

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 4,5% trong quý 1-2023, báo South China Morning Post dẫn số liệu được Cục Thống kê quốc gia nước này công bố ngày 18-4, con số cao hơn đến 2,9% so với số liệu tăng trưởng quý 4-2022, đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc thời kỳ hậu chính sách "Zero - COVID". Số liệu khả quan của quý 1 củng cố mức độ khả thi của mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% năm 2023 của nước này.

Ông Fu Linghui, người phát ngôn của Tổng Cục Thống kê Trung Quốc nhận định, nền tảng cho đà phục hồi kinh tế hiện nay chưa bền vững do tình hình quốc tế phức tạp và nhu cầu trong nước chưa đủ lớn để có thể hỗ trợ mạnh mẽ cho kinh tế nước này. Nói về tương lai, ông Fu Linghui cho biết, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn phải đối mặt với những rủi ro về nhu cầu của thị trường nước ngoài. Chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các lệnh cấm vận từ Mỹ, sản lượng thiết bị vi xử lý giảm đến 21,6% so với năm 2022, trong khi số điện thoại xuất xưởng giảm 6,7%. Sản lượng vi mạch tích hợp cũng giảm 3% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm 2022. Tình trạng thất nghiệp ở Trung Quốc cũng còn ở mức báo động khi tỉ lệ không có việc làm trong độ tuổi 16-24 tiếp tục tăng lên đến 19,6% trong tháng 3.

Làn sóng rút lui khỏi Trung Quốc của các nhà máy sản xuất đã gây nên sự kiện “thiên nga đen” khi hàng triệu lao động trẻ bị thất nghiệp

 Ông cũng dự đoán, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý 2 sẽ phục hồi đáng kể. Trong đó, tiêu dùng sẽ đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng và các hoạt động đầu tư có thể tiếp tục tăng, chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục cho thấy hiệu quả. Cùng quan điểm trên, ông Raymond Yeung, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ANZ dự đoán, tăng trưởng GDP quý II/2023 của Trung Quốc có thể đạt tới 8%. Giới chuyên gia dự đoán, GDP của Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7,3% trong quý II/2023, trước khi chậm lại 4,9% và 5,8% trong hai quý cuối cùng của năm 2023. Tính chung cả năm 2023, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng 5,3%.

Liên minh Châu Âu:

Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) vừa công bố dữ liệu cho thấy tăng trưởng GDP quý I/2023 của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chỉ ở mức 0,1% so với quý IV/2022 do ảnh hưởng bởi lạm phát cao và biến động lãi suất trên thị trường.

Ðánh giá về triển vọng kinh tế châu Âu, Giám đốc bộ phận châu Âu của IMF Alfred Kammer vừa cho biết, dù sụt giảm mạnh trong năm nay, nhưng hầu hết các nền kinh tế châu Âu sẽ tránh được suy thoái. IMF dự báo rằng Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ đạt mức tăng trưởng 0,8% trong năm nay.

Liên minh Châu Âu vượt qua giai đoạn khó khăn giữa muôn vàn rủi ro địa chính trị

 Theo ông Kammer, IMF đã điều chỉnh dự báo kinh tế Eurozone tăng so với dự báo đưa ra hồi tháng 1 năm nay nhờ mùa đông ấm áp hơn và hành động chính sách quyết đoán của các nhà hoạch định chính sách tại châu lục này.

Trên thực tế, trong tháng 3 năm nay, giá tiêu dùng cơ sở hằng năm ở Eurozone đã tăng 6,9%, giảm từ mức 8,5% trong tháng 2 xuống mức thấp nhất trong vòng một năm. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức cao kỷ lục 10,6% ghi nhận vào tháng 10/2022.

Tăng trưởng kinh tế tại khu vực Eurozone trong quý I/2023 có sự khác biệt rõ rệt giữa các quốc gia thành viên. Trong đó, Bồ Đào Nha có mức tăng trưởng GDP cao nhất (1,6%), theo sau là Tây Ban Nha, Italy và Latvia (cùng tăng 0,5%). Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai của Eurozone, chỉ ghi nhận tăng trưởng 0,2%.

Trong đó, Đức ghi nhận mức tăng trưởng 0% so với quý trước, phản ánh sự đình trệ của nền kinh tế lớn nhất khu vực Eurozone. Nếu so với cùng kỳ năm 2022, Đức cũng là nền kinh tế duy nhất trong khu vực Eurozone chứng kiến mức tăng trưởng âm (âm 0,1%) trong quý I/2023.

Nguyên nhân chủ yếu do Đức phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga nhiều hơn so với các quốc gia châu Âu khác khiến nền kinh tế nước này chịu tác động mạnh hơn từ cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine. Tuy nhiên, những tín hiệu từ nền kinh tế số một châu Âu cho thấy bức tranh kinh tế Ðức cũng không u ám như nhận định của IMF. Theo Bộ Kinh tế Ðức, nền kinh tế nước này đã khởi đầu thuận lợi trong năm nay với sản lượng công nghiệp và xây dựng đều tăng trưởng, tình trạng "thắt cổ chai" về nguyên liệu cũng dần được tháo gỡ, giá năng lượng giảm và điều kiện thời tiết thuận lợi. Cùng với đó, tâm lý người tiêu dùng dự báo sẽ tiếp tục phục hồi trong những tháng tới. Tỷ lệ lạm phát của Ðức được dự báo tiếp tục giảm, mặc dù vẫn ở mức cao. Phạm vi lạm phát dự báo là 5,4% đến 6,6% trong năm 2023 và 2,1% đến 3,5% cho năm 2024.

 Báo cáo của Bộ Kinh tế Ðức công bố ngày 14/4 vừa qua cho thấy, nguy cơ suy thoái kỹ thuật do hai quý tăng trưởng âm liên tiếp dường như đã được ngăn chặn.

Nguồn số liệu: Báo Nhân dân, CNBC, Tổng cục Thống kê, IMF, Tạp chí Công thương

Bình luận

Tin tức liên quan

Gọi trực tiếp
Chat Facebook
Chat trên Zalo