Sở hữu quỹ đất lớn với giá thuê thấp hơn các khu vực khác và hệ thống giao thông ngày càng đồng bộ, các cảng biển dày đặc, khu vực Bắc Trung Bộ đang có sức hấp dẫn rất lớn đối với nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Khu công nghiệp Phú Vinh hiện là khu công nghiệp có cơ sở hạ tầng hoàn thiện và đồng bộ nhất hiện nay tại Vũng Áng
Bất động sản công nghiệp đang là một trong những phân khúc “sáng giá” nhất của thị trường trong vài năm trở lại đây.
Trong đó, bên cạnh các thị trường truyền thống tại hai miền Nam, Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ đang nổi lên như một điểm đến mới với làn sóng đầu tư diễn ra mạnh mẽ và sự “đổ bộ” của hàng loạt “đại gia” trong và ngoài nước.
Thuộc Khu kinh tế Vũng Áng, Khu công nghiệp Phú Vinh đang được coi như thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư FDI vào Hà Tĩnh khi nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư.
Phú Vinh hiện là khu công nghiệp có cơ sở hạ tầng hoàn thiện và đồng bộ nhất hiện nay tại Vũng Áng. Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 23 triệu USD với nhu cầu sử dụng đất khoảng 200ha. Hạ tầng tại dự án đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại với 100% vốn đầu tư từ Đài Loan.
Cũng tại Hà Tĩnh, cuối tháng 12/2021 Tập đoàn Vingroup đã chính thức khởi công nhà máy sản xuất pin VinES tại Khu kinh tế Vũng Áng. Dự án có tổng mức đầu tư dự án 3.800 tỷ đồng với diện tích 12,6ha, công suất thiết kế 100.000 bộ pack pin/năm.
Bên cạnh đó, khu công nghiệp Vũng Áng còn có nhiều dự án lớn khác như Dự án nhiệt điện Vũng Áng 2, Nhà máy luyện gang thép Vũng Áng…
Cùng với Hà Tĩnh, Nghệ An cũng là một điểm đến về thu hút đầu tư nước ngoài. Trong năm 2021 và đầu năm 2022 dù chịu những khó khăn chung do dịch Covid-19 nhưng vốn FDI vào Nghệ An đã đứng thứ 2 cả nước.
Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2022, tỉnh Nghệ An đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 16 dự án với tổng số vốn đăng ký là 954 tỷ đồng; điều chỉnh 12 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 5 dự án với số vốn tăng lên 9.292 tỷ đồng, nâng tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 10.246 tỷ đồng.
Nhiều dự án có quy mô lớn như Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện của Tập đoàn Goertek (Hồng Kông, Trung Quốc); Nhà máy cấu kiện điện tử Everwin (200 triệu USD); Khu công nghiệp Hoàng Mai 1 (750 tỷ đồng)...
Tại Quảng Bình, đầu tháng 3, Công ty TNHH đầu tư Capella Quảng Bình (Capella Quảng Bình), thành viên của CTCP bất động sản Capella (Capella Land) cũng đã đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Cam Liên, huyện Lệ Thủy.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.840 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 300 tỷ đồng và thời gian thực hiện dự án là 2021 - 2028.
Tiềm năng lớn của bất động sản công nghiệp Bắc Trung Bộ
Lý giải sức hấp dẫn của khu vực Bắc Trung Bộ khi thu hút một số lượng lớn các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong thời gian gần đây, ông Vương Thái Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hạ tầng Phú Vinh, chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Phú Vinh cho rằng, hiện nay, các khu công nghiệp tại miền Bắc và miền Nam đã phát triển rất sôi động. Chính vì vậy mà giá thuê đất đã ở mức rất cao, gây hạn chế cho việc thu hút đầu tư mới.
Trong khi đó, các khu công nghiệp, khu kinh tế tại miền Trung lại đang sở hữu mức giá thấp hơn cùng lợi thế lớn về quỹ đất, đa dạng các loại hình công nghiệp, nguồn lao động giá rẻ. Đây chính là cơ hội rất lớn cho khu vực này phát triển.
Hội thảo Cơ hội đầu tư chiếm lĩnh thị trường miền Trung của các doanh nghiệp cơ khí và sản xuất hỗ trợ công nghiệp nặng
Tại hội thảo "Cơ hội đầu tư chiếm lĩnh thị trường miền Trung của các doanh nghiệp cơ khí và sản xuất hỗ trợ công nghiệp nặng", lấy ví dụ tại Khu công nghiệp Phú Vinh, ông Vũ cho biết, giá thuê hạ tầng tại dự án chỉ bằng 1/2-1/3 giá thuê tương đương ở miền Bắc và miền Nam.
Cụ thể, giá thuê bất động sản công nghiệp tại miền Bắc và miền Nam hiện ở mức 120 - 200USD/m2, còn giá bất động sản công nghiệp tại miền Trung, trung bình ở mức 60USD/m2.
Trong khi đó, khu vực này cũng sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện với mạng lưới đường bộ, đường cao tốc Bắc Nam, cảng biển, sân bay...
Về nguồn lao động, miền Trung và Bắc Trung Bộ cũng là khu vực có nguồn lao động rất dồi dào. Đơn cử như tại Hà Tĩnh, tính đến năm 2020, dân số tỉnh là 1,47 triệu người. Dân số trong độ tuổi lao động là 695.257 người (chiếm 47,3%).
Nguồn lao động nội tỉnh dồi dào, cùng với nguồn lao động từ các tỉnh lân cận khác sẵn sàng cung ứng đầy đủ cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Hơn nữa, lương tối thiểu vùng thuộc vùng 3 là: 3,64 triệu VND thấp hơn so với nhiều địa phương khác cũng là lợi thế thu hút về nhân công giá rẻ.
Cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, ông Vương Thái Vũ tin tưởng, Khu công nghiệp Phú Vinh cùng các khu công nghiệp, khu kinh tế lớn của miền Trung sẽ là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư thời gian tới.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, thời gian trước, các khu công nghiệp tại miền Bắc và miền Nam có hoạt động hiệu quả hơn do được hưởng lợi từ hệ thống hạ tầng có sẵn.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, tiềm năng phát triển công nghiệp và hạ tầng bất động sản công nghiệp của dải đất miền Trung là rất lớn. Với hệ thống giao thông ngày càng được đầu tư hoàn thiện, kết nối cao tốc Bắc Nam, hệ thống cảng biển với nhiều cảng nước sâu, giá bất động sản còn ở mức thấp, nguồn lao động dồi dào... đây là những cơ sở nền tảng để miền Trung phát triển công nghiệp.
Các khu kinh tế như Nghi Sơn, Vũng Áng, hay tại Bình Định, Quảng Nam... dù mới nổi lên thời gian gần đây những đã cho thấy sự hoạt động rất hiệu quả. Tiềm năng thu hút đầu tư, phát triển khu công nghiệp, thu hút các doanh nghiệp sản xuất, đầu tư bất động sản công nghiệp của khu vực này là rất lớn, ông Đính nhấn mạnh.
Mặt khác, theo vị chuyên gia này, trong xu hướng chung của thị trường bất động sản, bất động sản công nghiệp cũng là lĩnh vực đang có sức hấp dẫn rất lớn trong bối cảnh thị trường trầm lắng từ đầu năm 2022.
Hiện cả nước có 292 khu công nghiệp đang hoạt động, thì có tới 84 khu công nghiệp lấp đầy 100%, 80% các khu công nghiệp còn lại có tỷ lệ lấp đầy trên 80%.
Đặc biệt, theo ông Đính, với mức tăng trưởng kinh tế tích cực, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, trong bối cảnh kinh tế thế giới đối diện nhiều khó khăn, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến của nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ là phân khúc sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch DTJ Group cũng cho rằng, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, Việt Nam với nền kinh tế mở, tham gia nhiều hiệp định kinh tế toàn cầu và ổn định kinh tế vĩ mô sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Trong đó, khu vực Bắc Trung Bộ nói chung và các địa phương như Hà Tĩnh nói riêng với giá thuê bất động sản công nghiệp còn thấp sẽ là vùng trũng đầu tư.
Hiện tại đang là thời điểm vàng, thời điểm tốt nhất, hội tụ đầy đủ thiên thời, địa lợi, nhân hoà, cơ hội không thể bỏ qua để đầu tư bất động sản công nghiệp khi dòng vốn đầu tư từ các nước đang đổ về Việt Nam, ông Khánh nhấn mạnh.
Trích nguồn: Tạp chí điện tử Nhà Quản Trị - TheLEADER
Tags:
Bình luận
Tin mới
Xem thêmNhiều người đọc
Xem thêmTin tức liên quan