Tại sự kiện xúc tiến đầu tư, cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng ngành điện tử tại Bắc Ninh, ông Hoàng Minh, trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP đầu tư và phân phối DTJ Group cho biết, trong top 6 doanh nghiệp 100% vốn FDI tại Việt Nam có tới 3 doanh nghiệp điện tử đều nằm ở Bắc Ninh (Samsung, Poster, Canon).
Ông Minh cho rằng, trong 6 nhóm ngành thuộc chuỗi cung ứng đẩy (từ vùng nguyên liệu đến quá trình sản xuất và tạo sản phẩm), các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có cơ hội lớn để tham gia vào nhóm công nghệ hóa chất điện tử; bao bì; linh kiện điện…
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch DTJ Group, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của các Tập đoàn công nghiệp điện tử lớn như Samsung, Apple…đặt cơ sở sản xuất hoặc có các đơn vị cung ứng cấp 1. Đây là dư địa rất lớn và cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng cho ngành điện tử.
Riêng với ngành công nghệ lõi cung cấp bảng mạch, vi mạch điện tử, chip điều khiển, hệ thống tự động…,các doanh nghiệp điện tử hàng đầu tại Bắc Ninh đều nằm trong chuỗi cung ứng của các công ty lớn trên thế giới.
Cơ hội tham gia ngành điện tử (Ảnh: Hoàng Hà)
Tại Diễn đàn đa phương 2022 về cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam, thông tin đưa ra cho thấy số lượng doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu đã tăng lên đáng kể. Đơn cử với Samsung - năm 2014, con số chỉ là 4 doanh nghiệp, thì đến nay tổng số nhà cung cấp cả cấp 1, cấp 2 là 250 doanh nghiệp.
Ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đánh giá: "Tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Việt Nam đang tăng lên trong 10 năm qua. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này rất tích cực và là cơ sở để các nhà đầu tư đến với Việt Nam nhiều hơn; đồng thời cũng thể hiện nội lực của nền kinh tế Việt Nam đang tăng lên".
Có 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng. Điều này cho thấy còn rất nhiều cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động.
Nhiều cơ hội để các doanh nghiệp gia nhập chuỗi cung ứng ngành điện tử (Ảnh: Hoàng Hà)
Theo các chuyên gia, muốn tận dụng cơ hội, các doanh nghiệp cần tích cực ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và quản lý để đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh chóng của chuỗi cung ứng. Ngoài ra, cần tăng cường chuỗi liên kết, chia sẻ giữa cộng đồng các doanh nghiệp Việt.
Ông Yoon Chang Woo, Tổng Giám đốc Posco Việt Nam đề xuất, ần có kế hoạch cụ thể để xây dựng và nuôi dưỡng hệ sinh thái công nghiệp phụ tùng, theo đó là sự hỗ trợ về chính sách đi kèm.
“Chính phủ Việt Nam có thể đã có các kế hoạch và chính sách chi tiết được chuẩn bị sẵn sàng. Nếu như đã có sự chuẩn bị, tôi thiết nghĩ cần thiết phải thực thi nhanh chóng vào thực tế”, Tổng Giám đốc Posco chia sẻ việc chuyển giao công nghệ kỹ thuật chỉ có thể trở nên khả thi khi các doanh nghiệp Việt Nam có đủ yếu tố năng lực.
Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Nhật Bản và Mỹ đang gia tăng đầu tư vào Việt Nam, và Apple - một doanh nghiệp toàn cầu cũng đã quyết định tiến hành sản xuất sản phẩm tại Việt Nam, Tổng giám đốc Posco khuyến nghị Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam nên nhanh chóng tận dụng những cơ hội như thế.
Nguồn: vietnamnet.vn