Đại đa số các doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ khi khối kinh tế này chiếm tới 95% nền kinh tế quốc dân, đóng góp trên 40% tổng tỷ trọng GDP của Việt Nam, tạo ra hàng chục triệu công ăn việc làm và đóng góp một phần không nhỏ vào tổng nguồn thu ngân sách nhà nước. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận các doanh nghiệp còn yếu và việc tận dụng được những cơ hội sau đây sẽ là chìa khóa để nâng tầm doanh nghiệp và đạt được những mục tiêu kinh doanh mà doanh nghiệp đã đề ra.
Không thể phủ nhận trong những năm gần đây, tiếng nói của Việt Nam trên trường Thế giới chưa bao giờ được coi trọng đến thế. Đây là thành quả của toàn bộ bộ máy chính trị, chính quyền, doanh nghiệp, người dân và các tổ chức khác.
Việt Nam được coi là một đất nước yêu chuộng hòa bình, với nền văn hiến lịch sử lâu đời, giàu truyền thống. Đất nước còn sở hữu cho mình nhiều lợi thế để phát triển đồng đều cả ba khối nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Việt Nam được biết tới là đất nước của hòa bình. Đất nước cũng luôn giữ chủ trương trung lập trong mọi phương diện
Với chủ trương trung lập, làm bạn và hợp tác kinh tế với tất cả các nước trên thế giới, chúng ta đã ghi nhận số lượng hiệp định thương mại tự do có với các đất nước khác đặc biệt ấn tượng. Đây có thể coi là chất bôi trơn có thể giúp hàng hóa Việt Nam có thể xuất khẩu và tư liệu sản xuất có thể nhập khẩu một cách dễ dàng.
Năm 2023 tuy là một năm suy giảm đơn hàng ở rất nhiều ngành nghề nhưng đối với đầu tư công thì đây lại là một câu chuyện khác. Trong năm nay, Việt Nam đã triển khai hàng loạt các đại dự án hạ tầng giao thông lớn trên khắp ba miền Tổ quốc.
Có thể thấy rõ, tất cả các nhà máy FDI lớn đều tọa lạc tại những vị trí có giao thông và hạ tầng thuận tiện và đồng bộ. Việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ là xúc tác để thu hút càng nhiều các tập đoàn nước ngoài lớn về thiết lập chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ hưởng lợi vì đây sẽ là cơ hội để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dự án đường nối cao tốc 1A và 5B nằm trên địa phận tỉnh Hưng Yên là một trong những dự án đầu tư công tiêu biểu
Việc đẩy mạnh đầu tư công cũng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, gia tăng thu nhập của người dân. Qua đó, nhu cầu tiêu dùng cũng sẽ tăng. Với sự ủng hộ cho các mặt hàng “Made by Vietnam” của người dân, nếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đưa ra thị trường những mặt hàng, dịch vụ chất lượng, chắc chắn người dân sẽ ủng hộ và tin dùng.
Phát triển kinh tế mà không đi kèm phát triển nhân lực thì thật thiếu sót. Việt Nam tuy sở hữu nguồn lao động trẻ dồi dào nhưng năng suất lao động lại ở mức thấp trong khu vực. Mặc dù vậy, với những chính sách và điều kiện thuận lợi cho phát triển nhân lực trong thời gian gần đây, chúng ta có thể tin rằng trong những năm sắp tới, Việt Nam có thể sở hữu lực lượng lao động vừa có chất, lại vừa có lượng.
Thế hệ Gen Z là những người sinh ra trong giai đoạn từ năm 1995-2005. Đây là nhóm lao động có tuổi đời trẻ, đã có vài năm kinh nghiệm trong thị trường lao động. Tuy kinh nghiệm còn ít nhưng thế hệ này am hiểu về công nghệ, có thể ứng dụng nhanh và có tinh thần làm việc hiệu quả.
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Gen Z vừa là nhân lực, vừa là thị trường tiềm năng. Các doanh nghiệp nên hiểu rõ hơn về những người thuộc thế hệ Gen Z vì đây cũng là nhóm tuổi chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu dân số của Việt Nam. Tận dụng được tài năng của thế hệ này sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng cường năng lực nội tại của tổ chức mình.
Đại dịch Covid-19 đã thay đổi Thế giới mãi mãi. Xuyên suốt thời gian đại dịch, ngành thương mại điện tử chính là nhân tố có thể giúp Trái đất vận hành một cách thuận lợi, ít gặp cản trở. Không thể phủ nhận rằng những sự tiện lợi của thương mại điện tử đã khiến cuộc sống của chúng ta thay đổi một cách tích cực hơn.
Không khó để có thể thấy những màu áo xanh và vàng của Grab, Be, Gojek… là những công ty giao đồ công nghệ. Dù thương mại điện tử đã nổi lên từ cả trước đại dịch nhưng phong cách tiêu dùng này thực sự lên ngôi sau khi thế giới thấy được những giá trị mà thương mại điện tử mang lại.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là những doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, bán lẻ nên đưa thương mại điện tử trở thành một phần không thể thiếu của doanh nghiệp. Đây là kênh bán hàng hiệu quả, tiết kiệm chi phí và công cụ để đưa thương hiệu đến thị trường tiêu dùng một cách nhanh chóng.
Tất cả các nhóm tuổi trong cơ cấu dân số đều sử dụng mạng xã hội như một kênh giải trí và tiếp nhận tin tức. Không chỉ doanh nghiệp mà các cơ quan công quyền cũng sử dụng mạng xã hội để tiếp cận công chúng và mang lại dịch vụ tốt hơn.
Trong chiến lược chuyển đổi số của mỗi doanh nghiệp, việc có mặt và hoạt động trên các nền tảng kỹ thuật số đa kênh là điều bắt buộc phải làm. Đối với nhiều ngành hàng sản xuất, việc hoạt động một cách tích cực trên mạng xã hội cũng sẽ giúp cải thiện hình ảnh, tăng giá trị thương hiệu và tạo lòng tin với người tiêu dùng.
Không những vậy, nhờ những thuật toán đề xuất nội dung và quảng cáo tiên tiến của các nền tảng như Tiktok, Facebook, Youtube hay Google, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận các khách hàng tiềm năng của mình ở những nơi mà không ngờ tới!
Công nghệ mới
Nếu nền công nghiệp 3.0 là sự tích hợp của máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất thì nền công nghiệp 4.0 sẽ là một bước nhảy vọt. Với sự ra đời của các công nghệ tiên tiến bậc nhất như Big Data, Trí tuệ nhân tạo (AI) hay Internet of Things (IOT), công nghiệp 4.0 hứa hẹn sẽ là một cuộc cách mạng đúng nghĩa.
Hãy đừng để những thuật ngữ trên làm bạn phải lo lắng. Với tốc độ phát triển công nghệ như hiện tại và sự ra đời của các dịch vụ chuyển đổi số như “nấm sau mưa”, việc tiếp cận các công nghệ này cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đã dễ dàng hơn bao giờ hết.
Tại thị trường Việt Nam, những giải pháp chuyển đổi số cho nhà máy sản xuất đang ngày càng trở nên phổ biến. Việc tân dụng được các công nghệ này và đưa vào thực tiễn sẽ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng. Điều này cũng sẽ là động lực để giúp các doanh nghiệp dễ dàng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Sử dụng robot và tự động hóa để nâng tầm doanh nghiệp vừa và nhỏ
Nhiều yếu tố đã thay đổi xu hướng tiêu dùng của người dân. Sau đại dịch Covid-19, các mặt hàng có tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe cá nhân và sức khỏe cộng đồng đã dần bị loại bỏ khỏi thị trường. Với mức thu nhập mặt bằng chung tăng, người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều hơn để được sử dụng các mặt hàng, dịch vụ tốt cho sức khỏe và môi trường.
Trong những năm đầu của Thế kỷ 21 khi công nghiệp phát triển vượt bậc, nhiều nền công nghiệp không chỉ ở Việt Nam đã hy sinh môi trường để gia tăng năng suất. Nhưng những điều đó đã phải trả giá bằng những hậu quả to lớn như ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Là một đất nước có diện tích nhỏ với phần lớn là đồi núi, chuyển đổi sang những mô hình sản xuất xanh, tuần hoàn, thân thiện với môi trường là thiết yếu để bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường.
Với sự ra đời của các chứng chỉ xanh như LEED, LOTUS hay EPD, các doanh nghiệp vừa và nhỏ bắt buộc phải chuyển mình để thị trường có thể tiếp nhận. Đây tuy là thách thức những cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp, vì một khi chuyển đổi thành công, những doanh nghiệp này chắc chắn sẽ có một chỗ đứng vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nền kinh tế phương Tây suy thoái
Châu Âu cũng như Bắc Mỹ đang phải trải qua một thời kỳ khủng hoảng về kinh tế - xã hội do chiến tranh, hậu quả về y tế cộng đồng từ đại dịch, thiếu nguồn tài nguyên, dân số già, lạm phát phi mã và khoảng cách giàu nghèo. Trong bối cảnh đó, các nền kinh tế mới ở Châu Á đang là điểm sáng chói lọi trên bản đồ thế giới.
Khủng hoảng ở các nước phương Tây ngày một u ám trong bối cảnh biến đổi khí hậu và lạm phát dai dẳng
Không chỉ Việt Nam mà các nước khác như Trung Quốc hay các nước trong khối ASEAN đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng ngưỡng mộ trong thời gian qua. Ngày càng nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu đã chọn Châu Á làm địa bàn chiến lước để phát triển trong thời gian sắp tới.
Nổi lên như một tay chơi mới tại Châu Á, Việt Nam là điểm đến của dòng vốn đầu tư toàn cầu vì dư địa tăng trưởng kinh tế còn rất nhiều. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam không chỉ hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển mà còn từ vị thế đang ngày một tăng của đất nước trên trường thế giới.
Trong tất cả các buổi làm việc giữa Chính phủ với doanh nghiệp, một trong những thành phần kinh tế được chú trọng nhiều hơn cả đó chính là doanh nghiệp. Doanh nghiệp là lực lượng chủ lực của nền kinh tế và chỉ khi sức khỏe doanh nghiệp tốt, nền kinh tế mới hy vọng có thể đột phá và nâng tầm được.
Trong năm 2023, nhiều chính sách đã được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp trong đó nổi bật nhất là chính sách giảm lãi suất cho vay và các gói tín dụng hàng chục nghìn tỷ cho sản xuất kinh doanh. Tuy những chính sách chưa thực sự được thấm vào nền kinh tế những đây là những chỉ báo cho xư hướng thay đổi chính sách để có thể có hiệu quả thực tiễn hơn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Từ giờ đến cuối năm 2023, tiếp đà hiện tại dự kiến nhiều chính sách ưu đãi sẽ được giới thiệu tới cộng đồng doanh nghiệp. Thêm vào đó, các tổ chức chính phủ nước ngoài như USAID (Hoa Kỳ) hay GIZ (Đức) cũng đang thực hiện nhiều chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tăng cưởng khảo sát thông tin để có thể tận dụng các chính sách này một cách kịp thời.
Với sự ra đời của blockchain, thế giới đã được tiếp cận một định nghĩa mới: tài chính phi tập trung. Với xu hướng chia mảnh của toàn cầu, các nền tảng C2C – tức là trực tiếp từ người dùng đến người dùng ngày càng trở nên phổ biến. Tiêu biểu có thể kể tới là các ứng dụng như Uber, AirBNB, Grab hay Taskrabbit. Tài chính phi tập trung có thể định nghĩa là việc cho vay hiện tại và trong tương lai sắp tới có thể thực hiện trực tiếp giữa người cho vay và người vay một cách hiệu quả hơn mà không phải qua các tổ chức trung gian như ngân hàng, tổ chức tín dụng hay quỹ đầu tư.
Gần đây, thị trường tài chính Việt Nam đã cho ra mắt hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Điều này không chỉ đánh dấu một nỗ lực mới của Nhà nước để nâng tầm thị trường tài chính nước nhà, mà đây còn là một nền tảng mới giúp doanh nghiệp có thể huy động vốn một cách thuận tiện hơn, với lãi suất thấp hơn so với các tổ chức tín dụng truyền thống như ngân hàng.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên nhìn hệ thống mới này một cách tích cực nhất có thể. Để tận dụng được kênh huy động vốn này, doanh nghiệp nên tìm một tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính uy tín. Những tổ chức này sẽ cung cấp các dịch vụ như thẩm định công ty, đăng ký thủ tục phát hành trái phiếu và hỗ trợ bất kỳ vấn đề gì phát sinh.
Lời kết
Cơ hội nếu không được tận dụng tốt thì mãi chỉ là cơ hội, thậm chí còn có thể mất đi. Trâu chậm uống nước đục – câu thành ngữ này ám chỉ việc chúng ta chậm chân với các cơ hội trước mắt. Tất nhiên, “miếng bánh” cơ hội hay thị trường mới đều là hữu hạn và không phải ai cũng sẽ được một phần trong đó. Do đó, điều cần làm của doanh nghiệp hiện tại là cần phải nỗ lực hơn nữa, tận dụng mọi nguồn lực mình có để có thể nắm lấy những cơ hội này, đưa doanh nghiệp bứt phá và đạt được tầm cao mới.
DTJ Industrial xin chúc các doanh nghiệp luôn bền chí, sáng tạo, quyết đoán và đạt được nhiều thành công, may mắn trong công việc.
Bình luận
Tin mới
Xem thêmNhiều người đọc
Xem thêmTin tức liên quan