Tình hình phát triển kinh tế Việt Nam 4 tháng đầu năm 2023: Trong Nguy có Cơ

Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua năm 2022 vô cùng rực rỡ với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất từ năm 1997. Cũng vì lý do này, mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm 2023 dựa trên nền tảng phát triển của 2022 cũng theo đó mà thử thách hơn.

Thực trạng kinh tế Việt Nam

Thực trạng kinh tế Việt Nam

Với nền kinh tế mở, thị trường tiêu dùng lớn và chuỗi cung ứng nội địa phát triển, tuy rằng trên thế giới còn nhiều biến động và rủi ro tiềm ẩn vì các yếu tố xung đột vũ trang, lạm phát diễn ra kéo dài tại các đất nước phương Tây và nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 đã bộc lộ rõ những khó khăn, thách thức tiếp diễn từ quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

Cụ thể, tăng trưởng GDP Quý I/2023 rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước, các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước đã có mức sụt giảm hoặc tăng không đáng kể cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là vô cùng khó khăn. Tổng cầu yếu đã ảnh hưởng trực tiếp lên tổng cung của nền kinh tế. Một số động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, sản xuất công nghiệp đều ghi nhận mức giảm. Mặc dù vậy, theo báo cáo phát triển kinh tế của Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã đạt được những thành tích nhất định trong nỗ lực chèo kéo nền kinh tế giữa muôn vàn khó khăn.

Tổng thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 4/2023 ước đạt 139,1 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 645,4 nghìn tỷ đồng, bằng 39,8% dự toán năm. Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 4/2023 ước đạt 135,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 500,3 nghìn tỷ đồng, bằng 24,1% dự toán năm.

Sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng Tư ước tính tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số IIP 4 tháng đầu năm 2023 của một số ngành cấp 2 tăng so với cùng kỳ năm trước.

 Tốc độ tăng chỉ số sản xuất của một số ngành công nghiệp trọng điểm trong 4 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái

Nhu cầu thương mại dịch vụ 4 tháng đầu năm

Hoạt động thương mại và dịch vụ tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tư ước tính tăng 11,5%; vận chuyển hành khách tăng 16,6% và luân chuyển hành khách tăng 34,7%; vận chuyển hàng hóa tăng 21% và luân chuyển hàng hóa tăng 17,5%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách tăng 24,6% và luân chuyển tăng 50,2%; vận chuyển hàng hóa tăng 17,2% và luân chuyển tăng 19,8%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu các năm 2019-2023

Xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm

Mặc dù tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của 2023 ước tính thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vì tỷ trọng nhập khẩu giảm, khả năng làm chủ chuỗi cung ứng cải thiện, Việt Nam đã có mức xuất siêu cao hơn hai lần so với năm ngoái. Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 6,35 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,35 tỷ USD). Trong đó một số mặt hàng xuất siêu là: Điện thoại và linh kiện 14,87 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 3,20 tỷ USD; thủy sản 1,67 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 1,06 tỷ USD; rau quả 813 triệu USD; máy móc, thết bị, dụng cụ phụ tùng khác 591 triệu USD; dây điện và cáp điện 262 triệu USD.

Kim ngạch và tốc độ tăng/giảm kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm các năm 2019-2023

Vốn đầu tư kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm

Với tinh thần khẩn trương, tích cực nhằm khai thác và sử dụng tối đa hiệu quả các nguồn vốn, nhất là vốn đầu tư công, trong 4 tháng đầu năm 2023, trên cả nước đã hoàn thành các công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng, tăng cường năng lực sản xuất cho nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể:

  • Ngành giao thông hoàn thành được nhiều tuyến đường giao thông có ý nghĩa quan trọng, điển hình là các tuyến đường cao tốc thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông như: Mai Sơn – Quốc lộ 45 (Ninh Bình, Thanh Hóa) dài 63,37 km; cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây (Đồng Nai, Bình Thuận) dài 99 km; hoàn thành bến cảng Việt Lào (bến số 3) cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) với công suất 45 triệu tấn/năm.
  • Ngành sản xuất điện hoàn thành 8 dự án nhà máy điện và đưa vào vận hành, khai thác với tổng công suất 1348 MW. Trong đó, nổi bật là nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 với công suất 1.200 MW.
  • Ngành dệt may, da giầy hoàn thành 2 nhà máy may tại Hải Dương và Nghệ An với tổng công suất thiết kế 22,5 triệu sản phẩm/năm.
  • Ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, giấy và sản phẩm từ giấy hoàn thành 1 nhà máy chế biến gỗ tinh chế MPWOOD tại Thừa Thiên- Huế với công suất 3 nghìn m3/năm; 1 nhà máy sản xuất giấy melanie và đồ gỗ nội thất tại Hòa Bình với công suất 10 triệu tấn/năm; 2 nhà máy sản xuất bao bì tại Hải Dương và Hòa Bình với tổng công suất 17,36 nghìn tấn/năm; 1 nhà máy sản xuất túi xách ở Hà Nam với công suất 300 triệu sản phẩm/năm.
  • Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại, linh kiện điện tử, thiết bị điện, máy chuyên dụng hoàn thành 1 trạm nghiền xi măng tại Lai Châu với công suất thiết kế 500 nghìn tấn/năm; 1 nhà máy sản xuất nhôm thanh định hình tại Hà Nam với công suất thiết kế 130 nghìn m2; 2 nhà máy sản xuất thép tại Long An với công suất 450 nghìn tấn/năm, tại Hà Nam với công suất 600 tấn sản phẩm/năm; 1 nhà máy sản xuất giàn giáo xây dựng tại Hà Nam với công suất 10 tấn sản phẩm/năm; 1 nhà máy sản xuất thiết bị chiếu sáng led và linh kiện tại Hà Nam với công suất thiết kế 4 triệu sản phẩm/năm.
  • Công trình nông nghiệp và thủy lợi hoàn thành 2 hồ chứa nước tại Thái Nguyên với năng lực thiết kế 31 ha, tại Kiên Giang với năng lực thiết kế 205 triệu m3 và 1 trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao tại Thanh Hóa với công suất 24 nghìn con heo thịt/lứa.
  • Dự kiến trong hai tháng còn lại của quý II/2023 hoàn thành một số dự án lớn thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo năng lực mới cho sản xuất công nghiệp như: Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm dự kiến hoàn thành nhà máy sản xuất thức ăn gia súc tại Cà Mau với công suất 125 nghìn tấn/năm; Ngành sản xuất sản phẩm kim loại, máy móc thiết bị dự kiến hoàn thành nhà máy sản xuất nhôm tại Hải Dương với công suất 150 nghìn tấn sản phẩm/năm; 4 nhà máy sản xuất thiết bị cơ khí tại Quảng Ninh với tổng công suất thiết kế hơn 8 triệu sản phẩm/năm. Ngành sản xuất phương tiện vận tải dự kiến hoàn thành khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors tại Thừa Thiên-Huế với công suất 1 nghìn chiếc/năm; nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, xe đạp điện tại Quảng Ninh với công suất 610 nghìn chiếc/năm.
  • Bên cạnh đó, một số dự án lớn thuộc nguồn vốn đầu tư công đang tích cực triển khai thi công như: dự án Sân bay Long Thành (Đồng Nai) đến hết tháng 4/2023 đạt 62,5% khối lượng công việc giai đoạn san nền; Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo (Ninh Thuận, Bình Thuận) đạt 46% khối lượng thi công; Cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt (Nghệ An, Hà Tĩnh) đạt 32% khối lượng thi công; Cao tốc Bến Lức – Long Thành (Đồng Nai) đạt 82% khối lượng thi công.

Trong Nguy có Cơ

Việt Nam đã chứng tỏ khả năng thích ứng tốt với tình hình thế giới sau hai năm chống chọi với nạn dịch COVID. Thêm vào đó, với nhiều chính sách linh hoạt từ Nhà nước và sự bền bỉ của cộng đồng doanh nghiệp, không những Việt Nam không bị ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả từ đại dịch mà chúng ta còn đã hoàn thành năm 2022 với một kết quả không thể nào tốt hơn.

Tuy rằng năm 2023 bắt đầu với nhiều yếu tố tiêu cực về địa chính trị và lãi suất tiền tệ nhưng những kết quả trên đã cho thấy khả năng thích ứng của nền kinh tế Việt Nam. Nửa năm đầu năm 2023, với những kết quả khả quan này, Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng vào nửa cuối năm thực sự khởi sắc.

Để đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế đã đề ra cho năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân cũng như các tổ chức chính quyền cần thực hiện các nhiệm vụ đã đặt ra theo phương châm hành động: “đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả”.

Số liệu tham khảo: Tổng cục Thống kê, Báo Quốc hội, Báo Đảng Cộng sản, Báo Nghệ An

Bình luận

Tin tức liên quan

Gọi trực tiếp
Chat Facebook
Chat trên Zalo